Thưa các huynh trưởng CHS Lasan,
Thưa các bạn đồng môn,
Đặc biệt thưa các anh chị em CHS
Adran Dalat,
Trong lúc tới lui thăm viếng các lão
Sư Huynh ở nhà Hưu Dưỡng Lasan Mai Thôn, có lần tôi đã có cơ hội cà kê dê ngổng
ngồi “tám” chuyện với Sư Huynh Michel Hải, người hùng đã 40 năm trụ lại trường
Adran , tôi mới khám phá ra nhiều chuyện hết sức thú vị quanh ông thầy 90 tuổi
này.
Trước nhất, phải kể đến “kỳ tích”
kiên trì “trụ trì” trong một căn phòng nhỏ trong khuông viên trường Adran, để
luôn luôn xác định chủ quyền của dòng Lasan trên ngôi trường lịch sử này : Thầy
đã được chuyển về trường từ năm 1969 và đến năm 1975, khi Bề trên Giám tỉnh
Lasan cần người ở lại trường, đại diện cho chủ quyền Lasan khi phải giao trường
cho Nhà nước “ mượn” thì Frere Hải là người đơn thân độc mã tình nguyện
làm việc này bất chấp những khó khăn vô vàn trước mắt…
Đây là lời Frere kể lại : “… Frere ở
có một mình, một mình với một chiếc xe đạp, sáng sớm đạp xe đi lễ ở nhà thờ Con
gà, rồi đi dạy học dạo ( để khỏi quên nghề ), ai muốn học gì Frere dạy cái đó,
Anglais, Francais gì cũng dạy, thậm chí có lúc dạy mathematique bằng tiếng tây
cho học trò chuẩn bị đi Pháp học tiếp Đại học v.v… Dạy tới 10 giờ thì về nhà đi
chợ nấu cơm, ăn cả sáng chiều… Frere đi xe đạp như tập thể dục, chổ dốc cao
không đạp nổi thì mình dắt đi, rồi thì cũng đi tới nơi, về tới chốn… Tức cười nhất
là hồi đầu 1976, xe không có vỏ ruột thay, Frere lấy ruột xe cũ tái chế
quấn niền xe giống như hồi Nhựt Bổn ở Saigon năm 1944 để đi tạm, vậy mà cũng
xong… Hồi đó mình còn trẻ, khỏe, đạp xe đâu thấy mệt… Ở Dalat hơn 40 năm, frere
đã xài hết 3 đời xe đạp, chiếc cuối cùng đang để ở đây cho Frere quản lý đi chợ
hằng ngày…” Nghe đâu, có lúc Nhà Dòng sắm cho Frere một xe Honda cũ ( Giống như
đã sắm cho Frere Rodriguez Đào ở Huế ) nhưng Thầy lại trả về, vẫn cương quyết
trung thành với bộ môn xe đạp…
Bốn mươi năm ở trường Adran, đây là
một kỷ lục thần sầu của sự kiên nhẫn và mấy ông xe ôm quanh Dalat có kể tôi
nghe là Dalat sau 75 đâu phải chỉ có cảnh đẹp, có hoa tươi, mà còn có hình ảnh
một ông già, quanh năm suốt tháng mặc độc bộ quần áo công nhân, trong sương sớm
của Dalat mộng mơ, cứ thanh thản đạp xe đến Nhà Thờ xem lễ, đọc kinh rồi chậm
rãi đạp xe đến góc phố mua một ổ bánh mì thịt, nhẫn nha “thổi kèn” xong là lên
xe đi dạy học, dạy đủ thứ và học trò thì đủ thành phần : con nít, sinh viên sắp
đi du hoc, người lớn sắp đi định cư nước ngoài, các cha, thày, sơ, chú tiểu,
đại đức, ni cô, cư sĩ Cao Đài v.v... Nét đẹp của Dalat là có còn Thầy “ham” dạy,
vậy là đủ chứng tỏ học trò Dalat cũng còn “ham” học lắm lắm, đúng như truyền
thống của dân Dalat chính gốc. Hỏi Frere sao lại mong manh áo quần công
nhân mà không lo ăn mặc cho ấm cúng, Frere chỉ nói là công nhân người ta mặc
được thì mình cũng phải mặc được, có sao đâu !!! Hơn nữa, Frere lúc nào cũng
được “ CHÚA THƯƠNG, MẸ CƯNG”, người lúc nào cũng ấm nóng cho nên ăn mặc như vậy
là được rồi, mặc thêm áo lạnh chỉ thêm nực nội mà lại khó giặt giũ. Mua đồ công
nhân mặc cho…rẽ, đỡ tốn tiền.
Vào phòng riêng của Frere, tôi thấy
trên bàn là chân dung 2 cụ thân sinh nên cũng tò mò hỏi chuyện, Frere Hải đã
thân tình kể cho tôi nghe :
“ Quê Frere ở Hốc Môn, Ba Má đều
theo đạo Phật, mỗi tháng Má đều dắt đi Chùa lễ Phật. Ba của Frere là Gendarme
làm việc ở gần trường Taberd cho nên cho Frere học ở đó. Hồi nhỏ, lúc 15 tuổi,
Frere mê ông Thầy Dòng người Pháp dạy Toán quá xá hay nên tỏ ý hỏi Ổng bí quyết
để trở thành Giáo sư Toán xuất sắc như Ổng… Ổng trả lời tỉnh queo là phải đi tu
Frere Lasan như Ổng thì mới công thành danh toại… Vậy là cậu bé Hải bèn về xin
được theo đạo rồi đi tu luôn để được đi dạy Toán giỏi như Thầy…” Thắm thoát vậy
mà Frere Michel Trịnh Phước Hải đã theo đời tu được 70 năm và 60 khấn trọn rồi
đấy, các bạn ạ. Từ ngày được Ba Mẹ cho phép theo đạo và đi tu, Frere đã tròn
lời hứa quyết chung thủy với lời khấn, khước từ quyền thừa kế và mọi quyền lợi
của con trai độc nhất, con ông Cò Hiến Binh đất Hốc Môn, dứt khoát tu cho trọn
kiếp, thề không cắt đứt dây chuông nhảy rào …
Tôi có hỏi Frere là sống một mình
40 năm vò võ trong ngôi trường nhiều kỷ niệm giữa khung cảnh mộng mơ lãng
mạn như không gian Dalat, có khi nào Frere cảm thấy cô độc, tủi thân vì
không có ai bầu bạn tri kỷ để xẻ chia vui buồn ? … Frere cho biết là Frere rất
“hạp” với khung trời lặng lẽ trong veo thơm mùi thông xanh của Dalat… Những lúc
“buồn tình” thì Frere lại có người bạn tình chung thủy là cây kèn Harmonica 24
lỗ cũ kỷ do người bạn đồng môn là Sư Huynh Nhạc sĩ Vial tặng và dạy thổi từ
những ngày cùng chung sống ở Tập Viện Đồi LaSan Nha Trang.
Tôi nâng niu cây Harmonica của Thầy
ở góc bàn làm việc lên, thì thấy kèn đã gảy mất vài cái lưỡi gà, tôi hỏi thế
này thì làm sao chơi được trọn vẹn, Frere cười tươi và khoe tài chơi kèn cũ
phải biết “né” những nốt mất hoặc lạc ton, biến những đoạn có nốt nhạc “sún
răng” ấy thành hợp âm thì bảo đảm vẫn hay như thường… Thiệt là hết biết, ông
Thầy của tui!!!…
Ngày 10 Septembre 2013 tới đây là
sinh nhật 90 của Thầy, qua sự gợi ý của vài chị em CHS Adran và vài cư dân
Dalat, tôi có ý định “xúi dục” các hiền huynh CHS Adran tổ chức cho Thầy một
chuyến đi về Dalat có BS Lương Huỳnh Ngân đi kèm săn sóc và anh em mình sẽ Mừng
Thọ 90 tuổi cho Thầy ngay tại nơi Thầy đã dành 40 năm cuộc đời để “níu
kéo” cho ngôi trường Adran của chúng ta khỏi cảnh tang thương bị “xóa sổ” như
trường Lasan Bá Ninh, trường La San Mỹ Tho... Hỏi ý kiến BS Chí thì BS Chí
không đồng ý và cho biết là vì Trái tim và sức khỏe Thầy rất mong manh, hậu quả
của mấy mươi năm nhọc nhằn, ăn uống kiêng khem nhưng thiếu quan tâm đến sức
khỏe ở nơi có khí hậu lạnh như Dalat. Chở Frere đi gần thì được chứ đi xa thì
không nên, thôi thì , tụi mình đợi gần đến ngày ấy rồi hẵn tính, còn bây giờ,
ngày 29 tháng 6 năm 2013, Dòng La San sẽ tổ chức một đại lễ kết thúc Đợt tĩnh
tâm hằng năm và mừng kỹ niệm Thượng thọ, mừng Kim Cương khánh, Ngọc khánh, Kim
Khánh và Ngân khánh kỹ niệm đời tu một số Sư Huynh; riêng Sư Huynh Michel Trịnh
Phước Hải thì được mừng Thượng thọ 90 tuổi ( 1923 ) và Ngọc Khánh khấn trọn đời
60 năm ( 1953 ). Nhân dịp này, một cô em CHS Adran promo 72 có nhã ý muốn tặng
frere một kèn harmonica mới và có hỏi ý kiến tôi, tôi đã hết lời can ngăn
khuyên cô nên gởi Frere một vài giò Lan orchidée Dalat thật đẹp để Frere thưởng
thức hương hoa Dalat giữa lòng Saigon, còn kèn Harmonica thì nên nhường cho các
lớp đàn anh CHS Adran lo liệu; phận đàn em, phải biết kính trên, nhường..trên
luôn, như thế mới phải đạo học trò gái trường Lasan Adran !!! Sáng nay,
15/06 tôi lại được phone của bạn Nguyễn Anh Hùng, biệt danh Hùng quậy, dân Adran
chính gốc cũng hỏi ý kiến tôi là nếu tặng harmonica thì nên chọn loại nào
? Classic hay moderne ? Tôi chỉ góp ý là nên tặng kèn Hohner 24 lổ( Germany
made or US made ) loại chromatique, nôm na là kèn có nút bấm để chơi diese và
bemol cho Thầy thỏa lòng chơi nhạc thoải mái mà khỏi “né” như thổi cây kèn gảy
răng. Có kèn tốt, chắc Thầy mới dám mạnh dạng “chơi” mà không sợ “làm phiền
hàng xóm đang cần yên tịnh để nghĩ ngơi” chứ không như bây giờ, hôm nào ghiền
thổi kèn, phải ra tuốt bờ sông Mai Thôn để rón rén chơi kèn gảy răng cho
tôm cá sông Saigon thưởng thức !!!
Tôi có hỏi Frere, nhân ngày Thượng
thọ, Frere có ước muốn điều gì để học trò già này lo liệu cho Frere, Frere dõng
dạc ưởn ngực, vung tay tuyên bố : “ Đời Frere đã có “CHÚA THƯƠNG, MẸ CƯNG” rồi,
đâu cần gì nữa đâu em !! Hì hì…” Bravo Thầy !!
Chúc Thầy khỏe mạnh đến 100 tuổi cho
trọn tình nghĩa với trường Adran mà Thầy nâng niu gìn giữ nguyên vẹn suốt 40
năm qua...
Vài dòng tản mạn không đầu không
đuôi gởi quý huynh trưởng, quý bạn đồng môn, quý chiến hữu đọc cho vui, nhân
cuối tuần.
Saigon ngày 15/06/2013, lễ Father’s
day.
Đinh Hoài Ngọc
Taberd promo 1962.
Cựu phó tướng của BS Chí, trưởng ban
Liên lạc CHS LSVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét